Thursday, October 10, 2024

Thợ Việt 'sợ' vá lốp xe máy điện

Lốp sau xe máy điện thường là nơi đặt môtơ, quy trình tháo lắp phức tạp hơn, khiến một số thợ sửa xe từ chối việc vá hay thay lốp.

Chiếc xe máy điện VinFast Evo200 của Hoàng Hải (TP HCM) gần đây bị cán đinh, xịt lốp bánh sau trên đường đi làm. Xung quanh khu vực của Hải không có đại lý chính hãng nào gần, anh dắt xe đến các cửa hàng sửa xe máy truyền thống để vá lốp. Vết thủng khá to, không thể vá lốp loại không xăm, nên cách duy nhất là thay lốp.

Tuy vậy, nhiều cửa hàng từ chối vì lý do xe máy điện có động cơ gắn trực tiếp trên bánh sau, quy trình tháo lốp phức tạp hơn thông thường. Một số nơi nhận thay lốp, nhưng không có máy tháo lốp chuyên dụng, dùng bộ móc lốp có thể khiến trầy xước môtơ, nên Hải đã không đồng ý.

Không tìm được chỗ sửa gần nhà, Hải nhớ tới cửa hàng lốp có máy chuyên dụng anh từng vá, cách 5 km và định dắt bộ. Nhưng sau 20 phút dắt bộ dưới trời nắng, Hải bỏ cuộc, thuê xe tải chở với chi phí 150.000 đồng. Với chi phí thay lốp 440.000 đồng, như vậy Hải tốn gần 600.000 đồng cho chiếc lốp bị xịt.

Xe máy điện càng ngày phổ biến ở thị trường Việt Nam, với hai cách đặt động cơ phổ biến, bao gồm đặt ở trục giữa, truyền động bằng xích, và đặt ở bánh sau, truyền động trực tiếp. Loại đặt môtơ tại bánh sau phổ biến hơn vì cách bố trí này đơn giản, thường thấy trên các mẫu xe tầm thấp và trung, giá thành rẻ. Loại môtơ đặt giữa và truyền động bằng xích dành cho xe hiệu năng cao, ít phổ biến hơn.

Tuy nhiên, một nhược điểm của loại động cơ đặt bánh sau là việc tháo bánh để sửa chữa trong trường hợp lốp bị hư hỏng sẽ phức tạp hơn, cần nhiều bước hơn xe máy thông thường như ngắt hệ thống pin, tháo cốp đựng đồ, tháo dây điện kết nối, dây điện cụm sạc... để có thể tháo hoàn toàn bánh ra khỏi xe. Chính vì thế, việc tháo bánh xe để sửa chữa lốp có thể gây khó khăn nếu thợ không có kinh nghiệm.



No comments:

Post a Comment